Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Ngôi chùa thứ ba trong hành trình: Chùa Đình Quán - Phú Diễn

Ngôi chùa thứ ba: Chùa Đình Quán - Phú Diễn. Ngày 30/9 ( Ngày 15/08 AL)



Đình Quán là ngôi chùa cổ, nằm trên địa bàn thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, được xây dựng trên một ngôi đất cao , hướng Tây Bắc bên Quốc lộ 32 đi Sơn Tây, cách trung tâm thủ đô khoảng 12km.

Đình Quán là một làng Việt cổ có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, được thể hiện qua các di chỉ khảo cổ học đuợc phát hiện quanh khu vực như di chỉ Ngoạ Long với các hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm và các di tích lịch sử văn hoá như đình,chùa, miếu... đuợc xây dựng khá sớm.

Chùa Đình Quán còn có tên là chùa Bà Bông tên tự là Phúc Quang Tự. Chùa được bà công chúa nhà Trần lui gót tại đây tu tập và để lại một ngôi mộ có nhiều đồ tùy táng trang sức trong khu vực đất chùa. Người dân lúc đó gọi là chùa Bà Bông đến nay quen gọi theo danh từ địa phương là Chùa Đình Quán, nhân dân vẫn tưởng nhớ đến Bà và cúng giỗ vào ngày 20 tháng 2 hàng năm. 


Nhờ Hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ sự hảo tâm của Phật tử thiện tín thập phương xa gần Chùa Đình Quán trải qua nhiều giai đoạn sửa chữa tôn tạo mới có được vẻ đẹp ngày hôm nay.



Chùa  được xây theo kiểu chữ “Đinh”, bao gồm Tam quan, toà Tam bảo(Bảo Điện) tiếp đến là hai dãy nhà giải vũ, nhà tổ, nhà Mẫu và nhà khách ở cạnh phía Bắc. Được biết, đầu tháng 3/1984, cách chùa chừng vài chục mét về phía Bắc, người làng đào ao đã tìm thấy ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách, toàn bộ quan tài được phủ một lớp than dày 0,4m. Đây là nét đặc biệt trong cấu trúc mộ quách gỗ quý được biết xưa nay. Đồ tuỳ táng trong ngôi mộ chủ yếu là đồ trang sức. Cùng với tư liệu hiểu biết của trên dưới mười ngôi mộ cùng loại được khai quật và nghiên cứu tại Việt Nam, có thể ngôi mộ này có niên đại thuộc thời Trần (thế kỷ 13,14)

Cổng tam quan xây kiểu bỏ trụ ngoài cùng là hai trụ lớn, kiểu trụ lồng đèn, đỉnh mỗi trụ đắp nổi hình bốn con chim phượng đuôi chụm vào nhau đầu quay bốn hưóng tạo thành hình trái dành cách điệu. Thân trụ tạo gờ nổi, trên thân ghi các câu đối chữ Hán. Qua cổng tam quan là khoảng vuờn rộng bao quanh các công trình kiến trúc của chùa.



Chùa chính (Bảo Điện) bao gồm tiền đường và thượng điện, nhà tiền đường năm gian xây kiểu tuờng hồi bít đốc tay ngai, mái lớp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp nổi bình nước cam lộ, phía duới trổ hàng hoa chanh chạy suốt bờ đinh, giữa bờ đinh đắp ba đại tự đề ba chữ Hán vuông vức “ Phúc Quang Tự ”. Hai đốc mái đắp hình rồng miệng ngậm bờ nóc, đuôi rồng uốn cong. Bên trong các vì kèo đỡ mái kết cấu theo kiểu vì kèo cầu quá giang trốn hàng cột phía trước. Mái phân thượng tam hạ tứ, nền nhà lát gạch vuông, tại toà tiền đường đặt các bộ tuợng Đức Ông, Thánh Tăng, Hộ pháp giống như cách bài trí phổ biến như bao ngôi chùa khác ở miền Bắc nuớc ta.


Nối liền với tiền đường là toà thượng điện gồm nếp nhà bốn gian chạy dọc phía sau tạo thành hình chữ Đinh, nhà được xây tường hồi bít đất, các vì kèo đỡ mái làm kiểu kèo cầu quá giang vỉ ruồi mái phân thượng tam hạ tứ. Mái lợp ngói mũi hài cổ, đốc mái đắp hình rồng miệng ngập bờ nóc, trải dài tường hậu đắp các trụ nhỏ, đỉnh trụ đắp hình chim phượng và các bình nước nhỏ. Phía trong toà thượng điện là hệ thống năm lớp tượng được bài trí mang đặc trưng của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của đại Phật. Hàng trên cùng cao nhất của đại phật điện là bộ tượng Tam Thế Phật thường trụ diệu pháp thân, Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, chính giữa là pho tượng Phật A-Di-Đà, hai bên là tượng Quán Thế Âm và Đại thế chí bồ tát. Lớp thứ ba là tượng Quán Âm Chuẩn Đề, hai bên là tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Lớp tượng ngoài cùng của Phật điện là toà Cử Long và tượng Thích Ca sơ sinh. Tượng Thích Ca đứng trên toà sen ba lớp cánh, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Toà Cửu Long trang trí chín hình rồng phun nước tắm cho đức Phật lúc Ngài mới ra đời, điểm xuyết chín hình rồng là 18 pho tượng Phật được sắp xếp theo thứ tự như toà Tam bảo thu nhỏ. Sát tường hậu thượng điện, bên phải là bệ tượng Quan Âm Toạ Sơn, bên trái là tượng Quan Âm Tống Tử (hay còn gọi là tượng Quan Âm Thị kính). Các pho tượng Phật đều thuộc phong cách nghệ thuật thế kỉ thứ XVIII – XIX.Phía sau tam bảo, qua một khoảng sân gạch khá rộng là nhà Tổ, nhà Mẫu và dáy nhà giải vũ.


Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử và nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt 34 pho tượng Phật, 13 tấm bia đá, các hoành phi câu đối... trong đó tiêu biểu là quả chuông lớn “Bà Bông Tự”, đức năm Gia Long thứ 18 (1819); ba tấm bia ghi việc trùng tu chùa trong các niên hiệu vua: Quang Hưng ( 1678 – 1599), Chính Hoà (1680 - 1705), Gia Long (1802 - 1819). Đặc biệt có bài văn bia của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1527 – 1613). Đây là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.


Trong các bia trùng tu có bia ghi: “... Chùa được xây dựng từ thời Trần”; có bia ghi “... Chùa là đại danh lam...” . Có những chứng tích để giúp ta có thể khẳng định đây là ngôi chùa rất cổ. 



Người dân trong làng cho biết, thời xưa có một nàng công chúa con vua Trần ra đây xây dựng ngôi chùa này rồi tu ở đó đến khi mất. Đến khoảng thời Lê Sơ (thế kỷ 15) có một bà vãi quê làng Bông Cời, huyện Thanh Oai, Hà Tây lên ở chùa, bỏ tiền ra tu sửa chùa, mua 3 mẫu ruộng của làng hiến cho chùa rồi cũng ở đó đến khi mất. Nhân dân địa phương nhớ ơn bà, đổi tên là chùa Bà Bông, tạc tượng bà thờ phụng ở phía Bắc trong Tam bảo. Đến cuối thế kỉ XVI, chùa lại được trùng tu khởi công năm 1588, khánh thành năm 1592, mời Trạng Bùng viết văn bia, đã ghi tên là chùa Bà Bông. Đến đời Gia Long (1819) khi đúc quả chuông cổ còn lại đến nay cũng ghi là chùa Bà Bông. Văn bia của Phùng Khắc Khoan đã nêu lên vị trí ngôi chùa, về triết lí đạo Phật, về Tam giáo đồng nguyên và biểu dương những người đã giúp góp tiền của làm công việc công đức. Văn bia ghi “ bài kí trên bia ghi việc tu tạo chùa Bà Bông, thờ Phật ở chùa. Việc đó đã có từ lâu, nay chùa Bà Bông là nơi danh thắng vào bậc nhất xã Phú Diễn trong huyện Từ Liêm, sửa chữa xây dựng lại tất phải đợi loại cây đàn lớn... (đoạn này ghi tên mười người đứng lên hưng công)... nhà sư trụ trì chùa là Lê Pháp Đăng, tự Mậu Hoá, quê ở huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thừa Tuyên, Thanh Hoá, xuất gia theo Đạo Lớn, và mọi người lớn nhỏ trong thôn Đình Quán, các vị tín thí này cùng nhau để tâm làm điều thiện, mở rộng lòng thiện, tu sửa chùa vào tháng giêng năm Mậu Tí (1529), chùa được tu sửa các phòng trong ngoài, trên dưới tô lại tượng Phật... các đồ tế lễ. Nay việc sửa chữa đã hoàn thành, các vị lại mua đặt ruộng đất, ao hồ, hiến vào làm đất Tam Bảo, nhờ ta viết ra để mọi người biết việc này...”.

Trải qua nhiều thế kỉ, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng nhà chùa, nhân dân địa phương cùng quý khách thập phương đã đâu tư kinh phí trùng tu sửa chữa Tam Bảo, nhà Mẫu, Tam Quan, dựng lại nhà Tổ. xây thêm nhà bia, làm mới nhà khách...


Từ năm 1987 – 1999 nhà chùa cùng với chính quyền và tín thí thập phương đã nhiều lần trùng tu sửa chữa chùa. Đến nay, chùa Đình Quán ngày càng khang trang, đẹp đẽ, mãi mãi tồn tại cùng thời gian và lịch sử, xứng đáng là một ngôi chùa đẹp nổi tiếng của vùng ven sông Nhị.





Chùa Đình Quán đã được Bộ Văn Hoá – Thông Tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 27/8/1996. Sau nhiều lần trùng tu, chùa ngày càng trở nên đẹp đẽ, là một trong những ngôi chùa đẹp ở phía Bắc, được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá theo Quyết định 310-QĐ/BT ngày 13/12/1995. Đây là một công trình kiến trúc cổ, vừa mang tính chất văn hoá dân tộc độc đáo, vừa kết hợp hài hòa với tinh thần thời đại, hoà chung trong cụm di tích lịch sử văn hoá phía Tây Thăng Long.
( Theo Từ Liêm di tích và lễ hội - 2010)



Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Ngôi chùa thứ hai - Chùa Phú Diễn - Chùa Bụt Mọc



Ngôi chùa thứ hai trong hành trình Phật giáo – Ngày 16-09-2012 ( ngày mùng 1/8 AL)

Chùa Phú Diễn – chùa Bụt Mọc

Ngôi chùa cổ nằm bên đường Phú Diễn – xã Phú Diễn. Theo văn bia giữ trong chùa, ngôi chùa được xây dựng ngày 15 tháng 2 năm 1820 – năm Minh Mạng Nguyên Niên.


Đường vào chùa lát gạch vuông và được trồng hàng cau cao vút

 Giữa hai đường vào chùa được trồng các loại hoa, rau và cây cảnh

Hai bên đường vào lúc nào cũng rợp bóng cây và màu sắc của hoa…


  Khuôn viên chùa rộng rãi và nhiều cây cổ thụ…


Ngôi chùa được xây đơn giản nhưng rất uy nghiêm …


 Phía bên trái chùa là vườn bưởi Phú Diễn.. một trong những vườn bưởi Diễn hiếm hoi còn lại …


Phía bên phải chùa là vườn táo xanh mướt..




 Trước ngôi chùa là những cây cổ thụ cao lớn và đôi sư chầu trước lư hương nghi ngút khói hương …


Đôi sư uy nghiêm làm người đi lễ thấy tinh thần được thanh lọc trước khi vào lễ chùa..



 Ngôi nhà mẫu và nhà thờ tổ được làm phía sau chùa – đơn giản, gần gũi theo tinh thần người Việt …


 Tấm bia ghi lại công đức xây dựng chùa – được dịch bởi ThS Nguyễn Hữu Tâm – Viện sử học Việt Nam


  Ngọn tháp thờ phía trước chùa..

  Nhà đặt tấm bia ghi lại công đức – nơi nghỉ ngơi nói chuyện của người dân Phú Diễn khi chờ dâng lễ..

  Bức ảnh lưu trong chùa ghi lại những bức ảnh chùa xưa và nay ..

 Tên chùa là chùa Bụt Mọc – người dân làng hiện tại đã quen với tên gọi chùa Phú Diễn
 
 Hàng cây cổ thụ bên phải chùa vươn tay vững trãi và trải rộng …

Khu vườn có nhiều cây hoa và rau xanh …


 Ao chùa được hoàn thành năm Bính Tuất – 2006



Hòn non bộ hướng mặt về phía chùa - trong khuôn viên vườn chùa 

 
 Cổng chính – gác chuông, tam quan mới được tu bổ …


Cổng chùa hướng mặt ra đồng rau muống …


Cột trụ phía bên trái chùa

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Đền Bà Chúa - Anh Linh tự



Chùa Anh Linh hay Anh Linh Tự nằm ở thôn Viên, xóm 19, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chùa do công chúa Trần Khắc Hãn (công chúa Túc Trinh), con gái vua Trần Nhân Tông đã giúp nhân dân khai hoang, lập làng và xây dựng nên chùa này.
Năm 1993, chùa được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật


Lịch sử

Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm Mậu Ngọ 1258), để phát triển sản xuất làm cho dân ấm no, quốc gia hưng thịnh, Vua Trần đã xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa chiêu tập dân phiêu tán để khai khẩn đất hoang, mở rộng vùng ven kinh thành Thăng Long. Theo chiếu chỉ, công chúa Túc Trinh, con gái vua Trần Nhân Tông, đã rời cung điện ra vùng phía tây bắc kinh thành Thăng Long. Công chúa bỏ tiền bạc phát chẩn, cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, vỡ đất cấy trồng làm ăn sinh sống, thành làng, thành xóm.

Sau khi lập làng Cổ Nhuế Viên, công chúa Túc Trinh đến làng An Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm để làm tiếp việc ân đức. Anh Linh Tự do công chúa Túc Trinh bỏ tiền bạc ra xây dựng, ngày đêm chăm lo Phật đạo, giáo hóa chúng sinh, dạy dân cày cấy, lập làng Kẻ Noi (nay là xã Cổ Nhuế). Để tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân xã Cổ Nhuế thờ Bà làm Hậu phật tại chùa Anh Linh và Thiên Phúc. Các đền, miếu trong thôn thờ Bà, lấy tên là Tối Linh Từ và tôn Bà làm Thần Chủ.

Chùa có mặt bằng hình chữ "đinh", tiền đường gồm 3 gian xây kiểu "tường hồi bít đốc". Hai bộ vì gian giữa làm kiểu "giá chiêng, con nhị", phân cốn nách là nhà tổ, một bên là nhà Mẫu.
 

Sau này, ngày giỗ công chúa Túc Trinh được tổ chức ở cả hai làng An Hội và Cổ Nhuế. Đêm 30/7 âm lịch hàng năm, làm lễ mở cửa đền. Vào giờ Tý ngày mồng 1/8 âm lịch hàng năm, làm lễ mộc dục và cúng thức. Lễ mộc dục do một vị bô lão trong làng đảm nhiệm, trang phục chỉnh tề, đầu đội khăn xếp, quần trùng, áo dài, chân đi hài vân sảo, tất cả đều màu đỏ. Vị bô lão thay mặt cho cả dân làng làm việc ân đức với Chúa nên hết sức tuân thủ các điều kiêng kỵ: ăn chay một tháng, không ngủ chung với phụ nữ... Nước làm lễ mộc dục phải là nước mưa tinh khiết nấu với ngũ vị hương. Người nấu nước ngũ vị là đàn bà và cũng phải tuân thủ các điều kiêng cữ như vị bô lão. Trước khi làm lễ, vị bô lão rửa tay gọi là quán tẩy, vẩy nước hoa vào người, xoa lên mặt, đầu và hai tay, gọi là tẩy uế.

Sau khi mộc dục cho Chúa Bà, các đồ mã cũ đem đốt, dâng đồ mới. Y phục cũ của Chúa Bà được người ta tranh nhau lấy phần đem về để ở bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa: có phép mầu nhiệm của Chúa Bà, gia đình sẽ làm ăn hưng thịnh, tránh mọi điều xấu hoặc se thành sợi buộc vào cổ tay, chân hay đeo ở cổ cho trẻ con đi đêm không sợ ma quỷ, đêm ngủ không giật mình. Các bà già cũng lấy một miếng vải áo của Chúa Bà khâu ở vạt áo hoặc buộc vào tràng hạt để cầu mong sau này chết được Chúa Bà giúp sức chầu về cảnh tây phương cực lạc.

Lễ mộc dục xong là đến lễ cúng thức, ông chủ tế đọc chúc văn, nội dung ca ngợi công đức của công chúa Túc Trinh đối với dân làng Cổ Nhuế từ xưa tới nay, cầu xin hồng ân của trời đất, phật, thánh, Chúa Bà ban phúc lành cho quốc thái, dân an.
Sáng ngày mùng 1/8 âm lịch, cúng phật tại chùa Anh Linh, sau đó về đền Chúa làm lễ khai quang, yên vị xin Chúa cúng giỗ. Ngày giỗ Chúa gọi là cúng đối kỵ, có dâng lục cúng: hương, hoa, trà, quả, đăng, thực. Lễ cúng thực gồm có: Cơm tẻ nấu bằng gạo lật, muối vừng, trám đen muối, giá luộc, tương, canh đậu xanh; sau nghi lễ cúng thực dâng chè kho, chè lam và kẹo lạc.

Trong ngày giỗ Chúa, dân hai làng Cổ Nhuế và An Nội phải tuân thủ theo lệ: Không rước tượng Chúa đi viễn du, không đốt pháo từ ngày 25/7 - 2/8 âm lịch. Ngày giỗ Chúa toàn dân làm cỗ chay, ăn chay. Những sản vật trong từng nhà sản xuất được đem dâng lễ tại đền như: mít, dừa, lựu, chuối, na, cam, mía, khoai luộc... Ngoài ra, các gia đình, ngõ xóm nằm trên trục đường xã Cổ Nhuế - Chèm đều sắm hoa quả, vàng, hương, đèn nến, oản, phẩm, đặt lên một chiếc bàn con kê ngoài rìa đường, dâng lên đức Chúa Bà, cầu xin Chúa ban phúc cho gia đình, làng xóm khỏe mạnh, làm ăn hưng thịnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đêm ngày giỗ Chúa, tại đền có tổ chức hát chèo, diễn tuồng, múa lân, múa rồng, đọc và bình thơ rất sôi nổi.

Ảnh Đền Bà Chúa - Anh Linh Tự
                                   Mặt trước của Đền Bà Chúa – Cổ Nhuế
           Ngôi nhà Ngang trong khu di tích để bàn ghế phục vụ ngày Giỗ Bà Chúa
                                Ngôi Đền Bà Chúa đã được xếp hạng di tích
                                        Ao sen phía bên trái của Đền

                                      Có tạc nổi hình Rồng hướng lên Trời
                  Tấm bia trước mặt Đền ghi lại công đức xây Đền Bà Chúa.
                                Tấm bia đứng uy nghiêm dưới tán cây Sanh.
                                               Khuôn viên Đền rộng rãi ..
                                           .. và rợp bóng mát cây xanh..
                        ..đem lại cảm giác thanh thản, yên bình với người đi lễ..
                                   …Rặng chuối sai quả sau đền Bà Chúa…

                                          Cây đa hàng trăm tuổi cuối làng – bên Đền Bà Chúa


                    Ngôi đền thờ bên cạnh đường 69 Cổ Nhuế, sau lưng trong phạm vi Đền Bà Chúa